Mắt cận thị: Dấu hiệu, nguyên nhân, phòng ngừa và cách điều trị ?

19/08/2024 119 lượt xem

Triệu chứng cận thị

Những dấu hiệu và triệu chứng của cận thị

Người bị cận thị sẽ gặp khó khăn khi nhìn và phân biệt các vật thể ở xa; cần phải nheo mắt, căng mắt mới có thể thấy rõ. Nhưng đối với các vật ở gần như đọc sách, sử dụng máy tính, xem điện thoại thì vẫn có thể thấy bình thường.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Mắt cận thị: Dấu hiệu, nguyên nhân, phòng ngừa và cách điều trị ?
Cận thị là tật khúc xạ thường gặp nhất ở mắt

Nguyên nhân cận thị

Di truyền: Cha mẹ cận thị thì con cái cũng có nguy cơ mắc cận thị. Đặc điểm của cận thị do di truyền thường là độ cận cao và tăng nhanh ngay cả khi đã trưởng thành, có nhiều biến chứng nguy hiểm và nếu được điều trị thì khả năng phục hồi thị lực của bệnh nhân thường kém.

Mắc phải: Nhãn cầu ở trẻ em từ 10 - 16 đang trong quá trình phát triển, nếu nhìn gần nhiều trong điều kiện thiếu ánh sáng, mắt phải thường xuyên điều tiết và không được nghỉ ngơi hợp lý dễ dẫn đến tình trạng cận thị. Cận thị mắc phải thường có độ cận nhẹ, bệnh tiến triển chậm, ít tăng độ, đến tuổi trưởng thành thì độ cận thường ổn định và ít bị biến chứng so với cận thị di truyền.

Nguy cơ cận thị

Những ai có nguy cơ mắc phải cận thị?

Những người trẻ tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 - 16 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc cận thị cao nhất.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải cận thị

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cận thị, bao gồm:

Học tập và làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng;

Thường xuyên xem máy vi tính, điện thoại, tivi ở khoảng cách quá gần.

Mắt cận thị: Dấu hiệu, nguyên nhân, phòng ngừa và cách điều trị ?
Những người trẻ tuổi có nguy cơ mắc cận thị cao

Phương pháp chẩn đoán & điều trị cận thị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cận thị

Đánh giá khúc xạ: Bác sĩ chuyên khoa mắt sử dụng các dụng cụ thăm khám và yêu cầu bệnh nhân nhìn qua một số ống kính để kiểm tra khoảng cách và tầm nhìn gần.

Khám sức khỏe mắt: Nhỏ thuốc giãn đồng tử vào mắt để có tầm nhìn trong mắt rộng hơn, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát được.

Phương pháp điều trị cận thị hiệu quả

Kính gọng/kính áp tròng  

Đây là phương pháp thông dụng nhất, an toàn và khá rẻ tiền. Tùy theo độ cận mà bệnh nhân chỉ cần đeo kính khi nhìn xa hay phải đeo kính thường xuyên. Một số bệnh nhân sử dụng kính áp tròng thay cho kính gọng vì chúng nhẹ và không nhìn thấy được. Tuy nhiên việc đeo kính áp tròng khá phức tạp, phải bỏ đi mỗi ngày (đói với loại dùng một lần) hoặc khử trùng bằng dung dịch chuyên dụng (đối với loại dùng nhiều lần).

Kính ORTHO-K

Là cách điều trị cận không xâm lấn khá mới ở Việt Nam, cách thực hiện tương đối đơn giản, tốn ít thời gian mà vẫn đạt được hiệu quả điều trị tốt. Người cận thị đeo kính áp tròng cứng vào ban đêm khi đi ngủ và lấy ra vào buổi sáng. Ortho-K giúp điều chỉnh hình dạng giác mạc tạm thời, làm thay đổi độ khúc xạ nhưng không ảnh hưởng cấu trúc giải phẫu của giác mạc. 

Phẫu thuật điều trị 

Chỉ định cho bệnh nhân trên 18 tuổi và giác mạc có độ dày đạt tiêu chuẩn (sau khi đã được thăm khám và thực hiện một số cận lâm sàng). Hiện nay, phẫu thuật đã trở nên phổ biến, độ chính xác cũng như hiệu quả cao hơn so với nhiều phương pháp trước đây.

Phẫu thuật PRK

Đây là phương pháp phẫu thuật khúc xạ bằng Laser đầu tiên được thực hiện. Bác sĩ sẽ bóc tách và loại bỏ lớp biểu mô trên cùng của giác mạc, sau đó gọt trực tiếp lên bề mặt giác mạc và nhu mô bên dưới bằng Laser Excimer. Lớp biểu mô này sẽ tự tái tạo hoàn toàn sau khoảng 3 - 5 ngày nhưng cần thời gian lâu hơn để phục hồi thị lực. Giai đoạn hậu phẫu bệnh nhân thường bị kích thích và đau nhức nhiều, vì vậy phương pháp này hiện nay ít được sử dụng.

Phẫu thuật LASIK

Đây là phương pháp phẫu thuật khúc xạ khá phổ biến hiện nay. Bác sĩ sẽ tạo một vạt mỏng sẽ trên bề mặt của giác mạc bằng dao, sau đó dùng laser loại bỏ một số mô giác mạc và đặt vạt giác mạc lại vị trí ban đầu.

Phẫu thuật Femto LASIK

Là phương pháp tạo vạt giác mạc sử dụng tia Laser femtosecond thay thế dao mổ. Ưu điểm của phương pháp này là vạt giác mạc đồng đều và có độ dày ổn định, loại bỏ hoàn toàn biến chứng thông thường như trong phương pháp LASIK thường.

Phẫu thuật ReLEx SMILE

Là phẫu thuật điều chỉnh tật khúc xạ không lật vạt giác mạc, không sử dụng dao vi phẫu cơ học, có thể ứng dụng để điều trị cho bệnh nhân có độ cận và độ loạn thị cao. Phương pháp này có độ chính xác và độ an toàn gần như tuyệt đối.

Phương pháp ReLEx SMILE ít gây tổn thương hệ thần kinh ở giác mạc và đảm bảo sự vững chắc cơ học tự nhiên của giác mạc. Kết quả phẫu thuật tốt, độ ổn định cao và ít khả năng tái cận.

Phẫu thuật PHAKIC (ICL)

Đây là giải pháp tối ưu cho bệnh nhân có độ loạn thị lớn, độ cận thị cao, giác mạc mỏng mà ReLEx SMILE không thể can thiệp. Bác sĩ sẽ đặt một thấu kính vào sau mống mắt, trước thủy tinh thể và không can thiệp vào cấu trúc mắt cũng như không ảnh hưởng tới hệ mô giác mạc. Không giống như kính nội nhãn phẫu thuật đục thủy tinh thể, thấu kính trong phẫu thuật PHAKIC không thay thế thể thủy tinh của mắt và thể thủy tinh vẫn còn nguyên vẹn.

Phương pháp đặt thủy tinh thể nhân tạo

Được chỉ định cho bệnh nhân bị cận nặng kèm đục thủy tinh thể.

Mắt cận thị: Dấu hiệu, nguyên nhân, phòng ngừa và cách điều trị ?
Phẫu thuật có thể được áp dụng để khắc phục cận thị

Điều trị bằng thuốc

Atropine

Atropine là chất đối kháng muscarinic không chọn lọc với nhiều tác dụng trên mắt. Hiện cơ chế chính xác của atropine đối với bệnh cận thị vẫn chưa được làm rõ nhưng theo một số nghiên cứu lâm sàng, atropine có khả năng kìm hãm sự tiến triển của bệnh cận thị.

Các tác dụng phụ thường gặp trên thị giác của atropine là giãn đồng tử, giảm điều tiết và mờ thị lực gần do gây liệt cơ thể mi.  

Pirenzepine

Pirenzepine là chất đối kháng muscarinic chọn lọc, ít gây giãn đồng tử và liệt cơ thể mi hơn atropine. Tương tự atropine, pirenzepine cũng được chỉ định để kìm hãm tiến triển của bệnh cận thị.

Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa cận thị

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cận thị

Chế độ sinh hoạt:

Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung thức ăn, trái cây, rau củ có màu sắc rực rỡ, chứa nhiều vitamin A, E, C, B... có ích cho mắt.

Phương pháp phòng ngừa cận thị hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Giảm thời gian xem tivi, dùng điện thoại hoặc làm việc với máy vi tính không quá 45 phút/lần. Sau mỗi 45 phút, cần nhắm mắt nghỉ ngơi khoảng 30 giây trước khi tiếp tục.

Thường xuyên hoạt động ngoài trời để mắt điều tiết thích hợp với môi trường.

Học tập và làm việc ở nơi có đủ ánh sáng. Điều chỉnh tư thế ngồi phù hợp, tránh để mắt quá sát sách, điện thoại hoặc máy tính.

Không nên đọc sách khi đang di chuyển bằng xe hơi, máy bay, tàu lửa...